Nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy chữa cháy

Nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy chữa cháy

Nguyễn Văn Bình Cục Cảnh sát PCCC và CNVH Theo số liệu thống kê, trong các năm gần đây, mỗi năm cả nước đã xảy ra trên 20.000 vụ cháy, nổ, tai nạn giao thông, TNLĐ và nhiều sự cố khác, làm chết trên 10.000 người, bị thương nặng trên 10.000 người. Các vụ tai nạn, sự cố đó thường đòi hỏi phải có sự cứu nạn, cứu hộ kịp thời nhằm ngăn ngừa hậu quả, thiệt hại về người và tài sản.
Hiện nay, Chính phủ đã có quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn Quốc gia và hệ thống tổ chức tìm kiếm cứu nạn của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương; theo đó, việc tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trong các sự cố lớn, mang tính thảm họa như lũ lụt, sóng thần, động đất, sập hầm lò, tràn dầu trên biển v.v… được giao cho các đơn vị có liên quan thuộc Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế còn xảy ra nhiều sự cố, tai nạn có tính chất ít nghiêm trọng hơn như tai nạn, sự cố trong lao động, sản xuất, sinh hoạt; tàu, thuyền bị sự cố hoặc bị đắm ở ven bờ biển hoặc trong đường thủy nội địa; tai nạn giao thông; người bị mắc kẹt trong tình trạng nguy hiểm v.v… Đối với công tác cứu nạn, cứu hộ trong các tai nạn, sự cố nếu trên, pháp luật hiện hành chưa giao cho nhiều lực lượng khác nhau thực hiên, chức năng, nhiệm vụ còn chưa rõ ràng, rành mạch, nên khi xảy ra tai nạn, sự cố thì việc tổ chức cứu nạn, cứu hộ thường rất lúng túng, chậm trễ và không có sự chỉ đạo tập trung, thống nhất nên hiệu quả không cao, không bảo đảm ngăn chặn, khắc phục kịp thời thiệt hại trong các tai nạn, sự cố đó.
Thực tiễn nhiều năm qua cho thấy, lực lượng phòng cháy và chữa cháy được tổ chức chặt chẽ, được huấn luyện và trang bị cần thiết đã tham gia cứu nạn, cứu hộ có hiệu quả trong rất nhiều trường hợp. Đây là lực lượng có khả năng đáp ứng các yêu cầu cứu nạn, cứu hộ hàng ngày trong tình hình mới. Vì vậy, ngày 15/10/2012, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy. Quyết định của Thủ tướng ban hành góp phần quan trọng trong việc thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ, đặc biệt là công tác cứu nạn ban đầu.
Theo quy định tại Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng thì công tác cứu nạn, cứu hộ được giao cho các lực lượng bao gồm: lực lượng dân phòng; lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở; lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành; lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy; trong đó lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy là lực lượng chuyên nghiệp thường trực cứu nạn, cứu hộ. Các tình huống cơ bản trong hoạt đồng cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy gồm: có người bị nạn trong sự cố cháy, nổ; có người bị nạn trên sông, suối, hồ, ao, giếng nước, hố sâu có nước, khu du lịch, vui chơi giải trí, bãi tắm; có người bị nạn trong các sự cố sạt lở đất đá, sập đổ nhà, công trình; có người bị mắc kẹt trong các phương tiện khi xảy ra sự cố, tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông; có người bị mắc kẹt trong nhà, trong thang máy, trên cao, dưới hầm, hố sâu, trong hang, công trình ngầm; các tình huống cứu nạn, cứu hộ khác theo quy định của pháp luật.
Lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành khi nhận được thông tin sự cố, tai nạn trên địa bàn quản lý thì phải triển khai ngay nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ ban đầu; trường hợp sự cố, tai nạn vượt quá khả năng xử lý thì phải thông báo cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, đồng thời báo cho chính quyền địa phương sở tại. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy khi nhận được thông tin về sự cố, tai nạn thì thông báo cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy tại chỗ; triển khai lực lượng, phương tiện đến hiện trường nơi xảy ra tai nạn, sự cố để thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ; trường hợp sự cố, tai nạn vượt quá khả năng xử lý thì phải báo cho lực lượng cứu nạn, cứu hộ của bộ, ngành và Ban Chỉ huy Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; khi sự cố, tai nạn lớn mang tính thảm họa thì phải báo cáo ngay thường trực Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn.
Nguyên tắc hoạt động cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy được quy định là: Thông tin về tai nạn, sự cố phải được báo kịp thời, chính xác cho cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy theo số điện thoại 114 hoặc lực lượng phòng cháy và chữa cháy khác, đồng thời báo cho chính quyền địa phương và công an nơi gần nhất; việc cứu nạn, cứu hộ phải được tiến hành kịp thời bằng lực lượng, phương tiện tại chỗ và trước hết phải ưu tiên cho việc cứu người; khi tiến hành cứu nạn, cứu hộ phải bảo đảm an toàn đối với người, phương tiện tham gia và nạn nhân, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản.
Nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy được quy định cụ thể như sau:
Lực lượng dân phòng có nhiệm vụ: cứu nạn, cứu hộ đối với các tai nạn, sự cố xảy ra trên địa bàn quản lý và tham gia cứu nạn, cứu hộ ở địa bàn khác khi được yêu cầu; tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về cứu nạn, cứu hộ; tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về cứu nạn, cứu hộ cho nhân dân trên địa bàn; đề xuất ban hành quy định, kế hoạch về công tác cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi quản lý.
Lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở có nhiệm vụ: cứu nạn, cứu hộ đối với các tai nạn, sự cố xảy ra trong cơ sở và tham gia cứu nạn, cứu hộ ở ngoài cơ sở khi được yêu cầu; tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về cứu nạn, cứu hộ cho cán bộ, công nhân viên trong cơ sở; tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về cứu nạn, cứu hộ cho cán bộ, công nhân viên trong cơ sở; đề xuất ban hành quy định, kế hoạch về công tác cứu nạn, cứu hộ của cơ sở.
Lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành có nhiệm vụ: cứu nạn, cứu hộ ban đầu đối với các tai nạn, sự cố xảy ra thuộc phạm vi quản lý và tham gia ở ngoài phạm vi quản lý khi được huy động; tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về cứu nạn, cứu hộ cho các cơ quan, đơn vị trong ngành; tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về công tác cứu nạn, cứu hộ cho cán bộ, công nhân viên trong ngành; đề xuất ban hành quy định, kế hoạch về công tác cứu nạn, cứu hộ của ngành.
Lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có nhiệm vụ: là đầu mối tiếp nhận và xử lý thông tin các sự cố, tai nạn; tham mưu cho Bộ Công an và chính quyền địa phương về tổ chức thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật về tìm kiếm cứu nạn; bảo đảm sẵn sàng về lực lượng và phương tiện, tổ chức thường trực 24/24 giờ để trực tiếp thực hiện nhiệm vụ theo các tình huống cơ bản trong phạm vi địa bàn quản lý; xây dựng, tổ chức thực tập phương án cứu nạn, cứu hộ; thực hiện cứu hộ theo đề nghị của tổ chức, cá nhân; tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ cho các lực lượng: dân phòng, phòng cháy và chữa cháy cơ sở, phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành và các lực lượng khác theo yêu cầu; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về công tác cứu nạn, cứu hộ, xây dựng phòng trào quần chúng tham gia cứu nạn, cứu hộ.
Như chúng ta thấy, thực tế nhiệm vụ công tác cứu nạn, cứu hộ là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp trong khi đó lực lượng, phương tiện của lực lượng phòng cháy và chữa cháy còn rất thiếu thốn; kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực này còn mới mẻ do đó đòi hỏi các cấp, các ngành, đặc biệt là lực lượng phòng cháy và chữa cháy phải tăng cường các biện pháp, đặc biệt là cần sớm thành lập, bổ sung biên chế cán bộ chiến sĩ, đạo tạo, bồi dưỡng chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ; đầu tư các trang thiết bị cứu nạn, cứu hộ đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của xã hội; từng bước kiện toàn và đưa lực lượng này trở thành lực lượng nòng cốt, đáp ứng yêu cầu mà Đảng, Chính phủ và nhân dân giao cho, tuy rất vẻ vang nhưng cũng hết sức nặng nề.
Để triển khai thực hiện nhiệm vụ nêu trên, trước mắt, đòi hởi lực lượng phòng cháy và chữa cháy, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cần triển khai thực hiện các biện pháp sau:
Một là: Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền cho quần chúng nhân dân biết về nhiệm vụ thường trực cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy để kịp thời thông tin về tai nạn, sự cố theo số điện thoại 114; hướng dẫn cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, dân phòng và chuyên ngành tham gia thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ theo chức năng, nhiệm vụ của mình.
Hai là: Tổ chức thường trực về cứu nạn, cứu hộ 24/24 giờ, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ ngay khi có yêu cầu. Tổ chức nghiên cứu, huấn luyện chuyên sâu cho lực lượng trực tiếp cứu nạn, cứu hộ về các quy trình, động tác, đội hình cơ bản sử dụng thiết bị cứu nạn, cứu hộ và các biện pháp sơ cấp cứu ban đầu theo các tài liệu đã được tập huấn.
Ba là: Tiến hành rà soát các phương tiện thiết bị phục vụ cứu nạn, cứu hộ hiện có của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy để đưa vào thường trực sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời tiến hành khảo sát, lập danh sách các cơ sở có phương tiện, thiết bị có thể huy động xử lý các sự cố, tai nạn để xây dựng kế hoạch, phương án huy động khi cần thiết.
Bốn là: Đề xuất ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy, đặc biệt cần quy định quan hệ phối hợp với các đơn vị liên quan (lực lượng cứu nạn, cứu hộ của các Bộ, ngành đóng ở địa phương và lực lượng thường trực cấp cứu của các trung tâm y tế, bệnh viện…) để thống nhất phối hợp tham gia xử lý các sự cố, tai nạn.
Mọi thông tin để được tư vấn về lĩnh phực phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, xin liên hệ: Mr. Thuyết - Hotline: 0906.224.500 hoặc 0965.597.114
Website: congnghephongchay.com
Email: phongchayvnn@gmail.com
Share on Google Plus

About Unknown

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét